ĐO ĐẠC

ĐO ĐẠC

Ngày đăng: 06/01/2024 12:22 PM

    I. Đo đạc đất là gì?

    Đo dạc đất là người đo đạc sử dụng các thiết bị kỹ thuật để xác định diện tích thửa đất với các ranh giới, mốc giới cụ thể để phục vụ cho công tác quản lý hành chính nhà nước về đất đai hoặc để người sử dụng đất thực hiện các thủ tục hành chính.

    Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất là gì?

    Đo đạc địa chính để tách thửa đất là nhiệm vụ xác định về mốc giới, ranh giới và diện tích của các lô, thửa đất cụ thể nào đó.

    Đây là bước đệm để thực hiện chính xác việc xác định các vị trí trên bản đồ. Mục đích chính là phục vụ cho công tác quản lý đất cũng như việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

     

    II. Trường hợp nào cần đo đạc lại đất đai 

    Để ghi nhận chính xác bản đồ các thửa đất và các yếu tố địa lý có liên quan (đường giao thông, công trình thuỷ lợi, các vật thể tự nhiên hoặc nhân tạo,…) thì bản đồ địa chính cần phải được đo vẽ lại khi có thay đổi.

    Theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT quy định việc đo vẽ lại bản đồ địa chính được thực hiện đối với các khu vực đã có bản đồ địa chính nhưng có biến động trong các trường hợp sau:

    Thứ nhất, khu vực đất nông nghiệp đã được thực hiện quy hoạch lại đồng ruộng và “dồn điền đổi thửa” làm thay đổi toàn bộ các bờ vùng bờ thửa.

    Thứ hai, khu vực thực hiện quy hoạch sử dụng đất để hình thành các khu trung tâm hành chính, khu đô thị, khu dân cư, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp.

    Thứ ba, khu vực chỉ có bản đồ địa chính dạng giấy đã rách nát, hư hỏng không thể khôi phục và không thể sử dụng để số hoá.

    Thứ tư, khu vực đã có bản đồ địa chính được lập bằng phương pháp ảnh hàng không, phương pháp bàn đạc bằng máy kinh vĩ quang cơ trước ngày thông tư này có hiệu lực thi hành, tỷ lệ nhỏ hơn so với tỷ lệ cần phải đo vẽ theo quy định của thông tư này.

    III. Đo đạc đất đai cho phép sai số bao nhiêu

    Trong quá trình đo đạc đất đai, xảy ra trường hợp đo sai là điều không thể tránh khỏi, vì vậy pháp luật quy định về sai số cho phép trong đo đạc đất đai như sau:

    Điều 7 của Thông tư 25/2014/TT-BTNMT (sửa đổi bổ sung bởi khoản 1 Điều 8 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT)  đã quy định về độ chính xác bản đồ địa chính và những sai số cho phép chấp nhận được:

    “3. Đối với bản đồ địa chính dạng giấy, sai số độ dài cạnh khung bản đồ không vượt quá 0,2 mm, đường chéo bản đồ không vượt quá 0,3 mm, khoảng cách giữa điểm tọa độ và điểm góc khung bản đồ (hoặc giao điểm của lưới km) không vượt quá 0,2 mm so với giá trị lý thuyết.

    4. Sai số vị trí của điểm bất kỳ trên ranh giới thửa đất biểu thị trên bản đồ địa chính dạng số so với vị trí của các điểm khống chế đo vẽ gần nhất không được vượt quá:

    a) 5 cm đối với bản đồ địa chính tỷ lệ 1:200;

    b) 7 cm đối với bản đồ địa chính tỷ lệ 1:500;

    c) 15 cm đối với bản đồ địa chính tỷ lệ 1:1000;

    d) 30 cm đối với bản đồ địa chính tỷ lệ 1:2000;

    đ) 150 cm đối với bản đồ địa chính tỷ lệ 1:5000;

    e) 300 cm đối với bản đồ địa chính tỷ lệ 1:10000.

    g) Đối với đất nông nghiệp đo vẽ bản đồ địa chính ở tỷ lệ 1:1000, 1:2000 thì sai số vị trí điểm nêu tại điểm c và d khoản 4 Điều này được phép tăng 1,5 lần.

    5. Đối với đất phi nông nghiệp, sai số tương hỗ vị trí điểm của 2 điểm bất kỳ trên ranh giới thửa đất biểu thị trên bản đồ địa chính dạng số so với khoảng cách trên thực địa được đo trực tiếp hoặc đo gián tiếp từ cùng một trạm máy không vượt quá 0,2 mm theo tỷ lệ bản đồ cần lập, nhưng không vượt quá 4 cm trên thực địa đối với các cạnh thửa đất cỏ chiều dài dưới 5 m.

    Đối với đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng thì sai số tương hỗ vị trí điểm của 2 điểm bất kỳ nêu trên được phép tăng 1,5 lần.

    6. Vị trí các điểm mốc địa giới hành chính được xác định với độ chính xác của điểm khống chế đo vẽ.

    7. Khi kiểm tra sai số phải kiểm tra đồng thời cả sai số vị trí điểm so với điểm khống chế gần nhất và sai số tương hỗ vị trí điểm. Trị tuyệt đối sai số lớn nhất khi kiểm tra không được vượt quá trị tuyệt đối sai số cho phép, số lượng sai số kiểm tra có giá trị bằng hoặc gần bằng (từ 90% đến 100%) trị tuyệt đối sai số lớn nhất cho phép không quá 10% tổng số các trường hợp kiểm tra. Trong mọi trường hợp các sai số nêu trên không được mang tính hệ thống.”.

    IV. Luật đo đạc đất đai

    1. Quy định về đo đạc đất đai để tách thửa

    • Điều kiện tách thửa theo quy định của Luật Đất đai và căn cứ vào tình hình của từng địa phương
    • Hồ sơ tách tách thửa (được quy định tại Thông tư 24/2014/TT-BTNMT)
    • Nộp hồ sơ
    • Thời hạn giải quyết.

    2. Thủ tục đo đạc đất đai

    Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 43/2014 thì Văn phòng Đăng ký Đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường có chức năng xây dựng, cập nhật, quản lý, đo đạc, chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai.

    Do đó, khi có nhu cầu đo đạc lại diện tích đất, cá nhân, tổ chức gửi Đơn xin đo đạc lại đất đến Văn phòng Đăng ký Đất đai

    Hồ sơ đề nghị xác định lại diện tích đất gồm:

    - Đơn xin đo đạc lại diện tích đất;

    - Bản sao một trong các giấy tờ có liên quan đến quyền sử dụng đất.